Tại bài phỏng vấn trên chuyên trang Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Trần Đại Nghĩa, chuyên gia chính sách pháp lý dự án bất động sản nhận định:
“Thời gian gần đây, các địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn thu ngân sách, phục vụ quá trình đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cũng như giải quyết vấn đề an cư cho người dân. Tuy nhiên, một số phiên đấu giá đất ở khu vực ngoại thành Hà Nội lại xuất hiện dấu hiệu bất thường, bởi mức trúng đấu giá cao gấp gần 30 lần so với giá khởi điểm mà đơn vị tổ chức đưa ra…”.
Để hạn chế tình trạng “thổi” giá đất cao bất thường trong những phiên đấu giá như tại Hà Nội vừa qua cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Thời gian gần đây, các địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn thu ngân sách, phục vụ quá trình đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cũng như giải quyết vấn đề an cư cho người dân.
Tuy nhiên, một số phiên đấu giá đất ở khu vực ngoại thành Hà Nội lại xuất hiện dấu hiệu bất thường, bởi mức trúng đấu giá cao gấp gần 30 lần so với giá khởi điểm mà đơn vị tổ chức đưa ra. Đây là một thực trạng đáng buồn bởi chính quyền đấu giá đất để mang lại nguồn thu và để giải quyết vấn đề an cư cho người dân có nhu cầu ở thực, nhưng lại trở thành “miếng mồi ngon” cho giới đầu cơ trục lợi.
Hậu quả của tình trạng này là giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, khiến giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ. Mức giá của đất đấu giá tăng cao, “vượt xa” giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương mà còn tại nhiều nơi trên cả nước.
Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp có thể xem xét như sau:
Thứ nhất, đấu giá khu vực nào thì chỉ người khu vực đó được tham gia. Việc đấu giá đất nền cho cá nhân xây dựng là biện pháp của chính quyền địa phương cấp huyện giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân.
Với mục đích đó, việc đấu giá đất này chỉ nên dành cho đối tượng có thường trú tại địa phương được tham gia, tránh trường hợp một số người dân ở nơi khác đến làm loạn giá, mất cơ hội cho những người có nhu cầu thực sự.
Thứ hai, đất sau đấu giá không được phép sang tên trong tối thiếu từ 3 – 5 năm. Tình trạng đấu giá đất sang tay ăn chênh lệch diễn ra quá phố biến trong những năm gần đây. Vì vậy, cần phải hạn chế giao dịch những lô đất này.
Thứ ba, cần hoàn thành nghĩa vụ tài chính dưới 15 ngày. Người trúng đấu giá phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính càng sớm càng tốt. Thời gian hoàn thành càng kéo dài sẽ tạo cơ hội cho đội đầu cơ có thể giao dịch sang tay.
Thứ tư, cần cam kết xây dựng mới được phép chuyển nhượng. Ngoài việc hạn chế giao dịch thì phải đặt thêm các điều kiện để thực hiện giao dịch. Ví dụ như xây dựng cơ bản xong cập nhật tài sản lên số đỏ mới được phép giao dịch.
Nếu thực hiện được các điều kiện này sẽ đáp ứng được đúng mục tiêu đất để ở, hạn chế tình trạng bỏ hoang lãng phí sau đấu giá đất. Nếu là người có nhu cầu ở thật, họ sẽ tìm cách để sử dụng đất thực sự; trong khi đó giới đầu cơ thì mục tiêu là hạn chế vốn càng ít càng tốt.
LS. Trần Đại Nghĩa – Chuyên gia chính sách pháp lý dự án đầu tư