Việc Quốc hội mới đây thông qua các luật sửa đổi như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã mở ra một chương mới đầy hứa hẹn.
Tại buổi phỏng vấn với Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, ThS-LS. Trần Đại Nghĩa – CEO FIIVN, chuyên gia chính sách pháp lý dự án đầu tư nhận định:
- Được biết, nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn và chiến lược sắp tới sẽ rất thuận lợi vì Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Ông có thể chia sẻ cụ thể về những ưu điểm của quy định mới?
Trước đây, khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư (NĐT) phải thực hiện tất cả các thủ tục trong nhiều lĩnh vực như cấp Giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt Quy hoạch chi tiết, thẩm duyệt Phòng cháy chữa cháy, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp Giấy phép môi trường, cấp Giấy phép xây dựng,… Quá trình này có thể kéo dài từ 09 tháng đến 12 tháng, cá biệt có những trường hợp kéo dài đến vài năm, điều này đã làm môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là trong những lĩnh vực đòi hỏi sự thay đổi công nghệ liên tục, nếu quá trình thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài thì NĐT không thể triển khai dự án.
Nếu so sánh với nước láng giềng Trung Quốc với thủ tục rút gọn, nhanh nhất NĐT chỉ mất 45 ngày là có thể triển khai đầu tư xây dựng kể từ ngày nộp hồ sơ xin phép đầu tư. Rõ ràng, Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi.
Theo quy định của Luật mới, nếu doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực được ưu tiên, chỉ mất 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, NĐT sẽ được cấp một loại Giấy phép đầu tư đặc biệt duy nhất, từ đó có thể ngay lập tức triển khai thi công ngoài công trường, hầu như không còn thời gian thẩm định thủ tục. Toàn bộ công tác tiền kiểm hồ sơ trước đây sẽ được chuyển thành hậu kiểm, NĐT chỉ cần cam kết với các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong quá trình triển khai dự án.
- Theo ông, việc áp dụng “luồng xanh” trong đầu tư có giúp Việt Nam thu hút hiệu quả hơn các dự án công nghệ cao không, và làm thế nào để cân bằng giữa việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và đảm bảo rủi ro về môi trường hay công nghệ lạc hậu?
Quy định mới về thủ tục đầu tư đặc biệt theo trình tự rút gọn được áp dụng đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, vật liệu mới,… không phân biệt nguồn gốc NĐT. Thực tiễn đã cho thấy rằng, quá trình xây dựng công trình phải trải qua nhiều giai đoạn, trong đó có thời gian gian xử lý mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng thời gian này để “chủ động hậu kiểm” các thủ tục khác, qua đó tiết kiệm tối đa thời gian triển khai dự án.
Ngoài ra, đối với những lĩnh vực mới, có rất nhiều công nghệ trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật của Việt Nam chưa có khung kiểm tra, phân tích. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đã từng triển khai thành công tại các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới thì hoàn toàn có khả năng áp dụng Việt Nam tiết kiệm thời gian, nhanh chóng đi vào vận hành.
Đúng là, trong quá trình soạn thảo Luật, cũng có những lo ngại rằng việc cho phép áp dụng “luồng xanh” trong đầu tư có thể tiềm ẩn các rủi ro về môi trường, hoặc các NĐT lợi dụng nhằm đưa các công nghệ lạc hậu không đúng với định hướng. Đối với vấn đề trên, trong Luật mới cũng đã quy định rằng việc áp dụng quy định thủ tục rút gọn chỉ áp dụng trong giới hạn các khu công nghiệp, nơi đã có quy hoạch bài bản, hạ tầng đồng bộ. Vì vậy, trong trường hợp xấu nhất, cũng sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân.
Đặt trên vai trò của NĐT, họ đã cam kết sẽ tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam, việc họ xin được phép làm theo “luồng xanh”, họ đã có tư vấn riêng đánh giá tính hiệu quả, khả thi khi áp dụng mô hình dự án tại Việt Nam, đây là quyền lợi thiết thân nên các quyết định đầu tư của họ đã phải có sự suy tính. Trong trường hợp này dù thời gian của Việt Nam quy định là 15 ngày, nhưng thực sự thì NĐT có thể đã khảo sát dự án từ rất lâu trước khi xin thủ tục đầu tư theo trình tự rút gọn.
- Theo ông, việc chuyển giao thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư về địa phương sẽ tác động như thế nào đến khả năng thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao, và làm thế nào để các địa phương tận dụng cơ hội này một cách hiệu quả nhất?
Một điểm nổi bật trong lần sửa đổi này là việc chuyển quyền chấp thuận chủ trương đầu tư về cho UBND cấp tỉnh, thay vì Thủ tướng như trước đây. Điều này cho phép địa phương chủ động hơn trong thu hút và triển khai các dự án.
Ngoài ra, các chính sách mới nhắm vào các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, vật liệu mới, vi mạch bán dẫn,… nhằm định hình Việt Nam thành trung tâm công nghệ khu vực. Dù còn nhiều thách thức trong việc đồng bộ hóa thực thi giữa các cơ quan quản lý, nhưng đây là bước đi đột phá để nâng cao sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.
Như vậy, việc thông qua các quy định đầu tư đặc biệt thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Với sự hỗ trợ từ các chính sách mới, Việt Nam đang mở ra cánh cửa để đón nhận các dự án trọng điểm, tạo đà cho sự phát triển trong kỷ nguyên công nghệ và hội nhập quốc tế.
LS. Trần Đại Nghĩa - Chuyên gia chính sách pháp lý dự án đầu tư